1. Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng – Di sản thiên nhiên thế giới (2003-2015)
Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO ghi danh là Di sản Thiên nhiên Thế giới tại Hội nghị lần thứ 27 Ủy ban Di sản Thế giới tại Paris, Pháp ngày 03/7/2003 dựa trên tiêu chí (viii) về địa chất, là một tập hợp bằng chứng ấn tượng về lịch sử trái đất.
Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thuộc tỉnh Quảng Bình, có diện tích khoảng 200.000 ha. Bên cạnh giá trị về lịch sử địa chất, địa hình, địa mạo, Phong Nha – Kẻ Bàng còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho những cảnh quan kì bí, hùng vĩ. Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng ẩn chứa bao điều bí ẩn của tự nhiên, những hang động như những lâu đài lộng lẫy trong lòng núi đá vôi được tạo tác từ hàng triệu năm trước.
2. Vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới (1994-2000)
Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận lần thứ nhất là Di sản Thiên nhiên Thế giới tại Hội nghị lần thứ 18 Ủy ban Di sản Thế giới tại Phuket, Thái Lan ngày 17/12/1994 về vẻ đẹp cảnh quan; công nhận lần thứ hai về giá trị địa chất, địa mạo tại Hội nghị lần thứ 24 Ủy ban Di sản Thế giới tại thành phố Cairns, bang Queensland, Australia ngày 02/12/2000.
Vịnh Hạ Long nằm ở Đông Bắc Việt Nam, là một phần phía tây Vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn. Vịnh có tổng diện tích 1553 km2 gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ. Vùng Di sản được UNESCO công nhận có diện tích 434 km2 gồm 775 đảo, như một hình tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam) và đảo Cống Tây (phía đông).
Vịnh Hạ Long nổi bật với hệ thống đảo đá và hang động tuyệt đẹp. Đảo ở Hạ Long có hai dạng là đảo đá vôi và đảo phiến thạch, tập trung ở vùng phía đông nam vịnh Bái Tử Long và vùng phía tây nam vịnh Hạ Long. Đây là hình ảnh cổ xưa nhất của địa hình có tuổi kiến tạo địa chất từ 250 - 280 triệu năm, là kết quả của quá trình vận động nâng lên, hạ xuống nhiều lần từ lục địa thành trũng biển. Quá trình Karst bào mòn, phong hoá tạo ra một Hạ Long độc nhất vô nhị trên thế giới.
3. Quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới (1993)
Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Thế giới tại hội nghị lần thứ 17 Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Cartagena, Colombia ngày 11/12/1993 với tiêu chí (iii) là bằng chứng nổi bật của quyền lực phong kiến Việt Nam và tiêu chí (iv) là ví dụ nổi bật của một kinh đô phong kiến Phương Đông.
Quần thể Di tích Cố đô Huế nằm dọc hai bên bờ sông Hương thuộc thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ năm 1802 đến 1945, Huế là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới sự trị vì của 13 đời vua nhà Nguyễn. Cũng vào thời gian này, tại đây đã hình thành các công trình kiến trúc lịch sử văn hoá có giá trị như kinh thành Huế, khu Đại Nội (có 253 công trình), 7 cụm lăng tẩm của 9 vị vua Nguyễn, đàn Nam Giao, Hổ Quyền, điện Hòn Chén. Quầnthể Di tích Cố đô Huế là ví dụ nổi bật của một kinh đô phong kiến phương Đông.
4. Đô thị cổ Hội An – Di sản văn hóa thế giới (1999)
Phố cổ Hội An được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Thế giới tại Hội nghị lần thứ 23 Ủy ban Di sản Thế giới tại Marrakesh, Morocco, ngày 01/12/1999 với tiêu chí (ii) là một sự biểu thị vật chất nổi bật của sự hòa trộn các nền văn hóa vượt thời gian tại một thương cảng quốc tế, và tiêu chí (v) là một điển hình nổi bật về bảo tồn một thương cảng châu Á cổ truyền.
Hội An là một thị xã cổ của người Việt, nằm ở vùng hạ lưu ngã ba sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía nam. Hội An từng được biết đến trên thương trường quốc tế với nhiều tên gọi khác nhau như Lâm Ấp, Faifo, Hoài Phố và Hội An.
Là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam, hiếm có trên thế giới, Hội An giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ... Các công trình kiến trúc vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, vừa thể hiện sự giao lưu hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây. Trải qua nhiều thế kỷ, những phong tục tập quán, nghi lễ, sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng cũng như các món ăn truyền thống vẫn lưu giữ, bảo tồn cùng với bao thế hệ người dân phố cổ. Hội An còn có một môi trường thiên nhiên trong lành, êm ả với những làng nhỏ ngoại ô xinh xắn, có nghề thủ công như mộc, làm đồ đồng, gốm…
5. Di tích Mỹ Sơn – Di sản văn hóa thế giới (1999)
Khu Di tích Thánh địa Mỹ Sơn với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Thế giới tại Hội nghị lần thứ 23 Ủy ban Di sản Thế giới tại Marrakesh, Morocco ngày 01/12/1999 với tiêu chí (ii) là điển hình nổi bật về sự giao lưu văn hóa với sự hội nhập vào văn hóa bản địa, và tiêu chí (iii) phản ánh sinh động tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa Chămpa trong lịch sử văn hóa Đông Nam Á.
Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đây là tổ hợp nhiều đền đài Champa trong thung lũng đường kính khoảng 2 km, bao quanh là đồi núi. Thánh địa từng là nơi tổ chức cúng tế và là nơi tập trung các lăng mộ của các vị hoàng thân quốc thích của vương triều.
6. Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội – Di sản văn hóa thế giới (2010)
Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa Thế giới tại Kỳ họp lần thứ 34 Ủy ban Di sản Thế giới tại Braxin ngày 31/7/2010 với tiêu chí (ii) là minh chứng cho sự giao lưu giữa các ảnh hưởng đến chủ yếu từ Trung Quốc ở phía Bắc và Vương quốc Champa ở phía Nam, tiêu chí (iii) là minh chứng cho truyền thống văn hóa lâu dài của người dân Việt được thành lập ở đồng bằng sông Hồng, đó là một trung tâm quyền lực liên tục từ thế kỷ VII cho đến tận ngày nay, và tiêu chí (vi) liên quan trực tiếp tới nhiều sự kiện văn hóa - lịch sử quan trọng
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội có tổng diện tích 18,395 ha. Giá trị của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội thể hiện ở chỗ nó gần như là một "bộ lịch sử sống" chảy suốt theo cả chiều dài lịch sử hơn 10 thế kỷ của Thăng Long- Hà Nội, kể từ thành Đại La thời tiền Thăng Long đến thời đại ngày nay.
7. Thành Nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới (2011)
Di tích Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) được UNESCO đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới vào ngày 27/6/2011, tại Kỳ họp lần thứ 35 Ủy ban Di sản Thế giới ở Paris, Pháp với tiêu chí (ii) là biểu hiện rõ rệt sự giao thoa trao đổi quan trọng các giá trị nhân văn giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á vào cuối thế kỷ XIV - đầu thế kỷ XV và tiêu chí (iv) là ví dụ nổi bật về một kiểu kiến trúc Hoàng thành biểu tượng cho quyền lực Hoàng gia tiêu biểu ở phương Đông, vừa là một pháo đài quân sự bề thế, chắc chắn, uy nghiêm.
Thành Nhà Hồ do Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, hiện được coi là tòa thành đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít còn lại trên thế giới. Đây là một trong số ít các di tích kinh thành chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, cảnh quan và quy mô kiến trúc còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
8. Quần thể danh thắng Tràng An – Di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới (2014)
Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới vào ngày 23/6/2014, tại Kỳ họp lần thứ 38 Ủy ban Di sản thế giới ở Doha (Qatar) với tiêu chí (v) về Văn hóa: Tràng An chứa đựng các bằng chứng về sự tương tác giữa con người và môi trường, thể hiện sự thích ứng của con người với các điều kiện biến đổi về địa lý và sự khắc nghiệt nhất của môi trường trong lịch sử Trái đất, đặc biệt là những biến đổi khí hậu diễn ra vào cuối và ngay sau thời kỳ băng hà cuối cùng; tiêu chí (vii) về Vẻ đẹp thẩm mỹ: Cảnh quan tháp karst của Tràng An chứa đựng những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với những ngọn núi hùng vĩ, hang động huyền bí, sông nước thanh tĩnh, điểm xuyết với những đền, chùa, miếu linh thiêng; và tiêu chí (viii) về Địa chất – địa mạo: Quần thể Danh thắng Tràng An minh chứng cho các giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa karst trong môi trường khí hậu nhiệt đới ẩm. Đây là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam.
Nằm trên bờ phía nam của đồng bằng sông Hồng, Tràng An là một cảnh quan núi đá vôi ngoạn mục tạo dựng với rất nhiều thung lũng, một số chìm trong nước, và bao quanh bởi những vách đá dốc, gần như thẳng đứng. Tại đây, qua việc khám phá một số hang động cao nhất, người ta đã phát hiện những bằng chứng khảo cổ học liên quan đến hoạt động của con người có niên đại khoảng 30.000 năm. Những vết tích này minh họa cho sự chiếm đóng tập trung của con người săn bắn - hái lượm và sự thích ứng của họ đối với sự biến đổi khí hậu và môi trường. Khu vực Di sản bao gồm Hoa Lư-cố đô của Việt Nam thế kỷ thứ mười và mười một, đền, chùa, những cánh đồng lúa, làng mạc và những nơi linh thiêng.
Nguồn: mofa.gov.vn