Thành tựu kinh tế đạt được hôm nay là tiền đề để Bình Dương trở thành thành phố công nghiệp trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II. Ảnh: V.GIANG
Lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá
Qua chặng đường lịch sử 40 năm sau ngày giải phóng, gần 30 năm đổi mới, Bình Dương rất đáng tự hào với những gì đã làm được. Kế thừa và phát huy thành quả của tỉnh Sông Bé trước đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh quyết tâm vượt qua thách thức, huy động sức mạnh tổng hợp để tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới. Để phát triển kinh tế, Bình Dương lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) tập trung gắn với công nghiệp hóa và đô thị hóa làm đòn bẩy phát triển. Nhờ hạ tầng KCN thuộc loại hàng đầu của cả nước và hạ tầng kinh tế - xã hội bảo đảm mà tỉnh đã tập trung xây dựng, trong những năm qua tỉnh đã thu hút đầu tư rất hiệu quả, với hơn 20,8 tỷ đô la Mỹ của doanh nghiệp đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ; đưa Bình Dương trở thành 1 trong 5 địa phương trong cả nước thu hút đầu tư nước ngoài vượt mốc 20 tỷ đô la Mỹ.
Chủ trương xây dựng KCN tạo động lực phát triển là tư duy đổi mới đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo tỉnh. Chính sự ra đời của các KCN đã đưa công nghiệp phát triển, tạo điều kiện kích thích thương mại, dịch vụ và đô thị phát triển. Hơn nữa, tại các nơi kế cận KCN, đại đa số người dân vùng quy hoạch giải tỏa giờ đây đã có cuộc sống ổn định. Sự phát triển KCN còn mở ra nhiều hướng làm ăn cho người dân như buôn bán, xây phòng trọ cho thuê và nhiều dịch vụ khác giúp cuộc sống của họ khá lên thấy rõ. Ông Nguyễn Văn Mười Nghệ ở khu phố 2, phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, chủ căn nhà rộng khang trang phấn khởi cho biết, so với cuộc sống làm nông trước đây thì hiện nay thu nhập gia đình ông đã tăng gấp 10 lần, với khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng từ kinh doanh cho thuê nhà trọ. Ngày trước làm nông nghiệp, cuộc sống gia đình ông rất chật vật. Từ khi có KCN phát triển gần nhà, nhiều gia đình ở đây đã chuyển sang kinh doanh mua bán, nhà trọ, tạp hóa.., nhờ vậy đời sống đã khá hơn trước rất nhiều.
Đặc biệt, các KCN ở vùng đất gắn với những địa danh oanh liệt trong kháng chiến như: Các KCN Việt Hương II, Rạch Bắp, Singapore Ascendas Protrade trên vùng địa đạo Tam giác sắt An Tây, An Điền, Phú An thuộc TX.Bến Cát; các KCN Đất Cuốc, Nam Tân Uyên gần vùng Chiến khu Đ; KCN Bàu Bàng ở huyện Bàu Bàng… hôm nay đã có hạ tầng hoàn chỉnh, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến làm ăn. Công nghiệp về những miền quê đã tạo điều kiện cho kinh tế các địa phương nơi đây phát triển mạnh mẽ. Nhờ đó, đến nay, nhiều nhà cửa khang trang của người dân mọc lên; hệ thống điện - đường - trường - trạm được đầu tư xây dựng đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Tiếp tục phát huy sự đồng thuận
Với Bình Dương, ký ức về vùng đất từng là nơi địa đầu tuyến lửa với đạn bom cày xới qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là những năm tháng không thể nào quên. Dù chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng ký ức oai hùng của vùng đất một thời oanh liệt vẫn còn đó; những địa đạo Tam giác sắt, Chiến khu Thuận An Hòa, Chiến khu Đ hay chiến thắng Phước Thành, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Đất Cuốc… vẫn mãi khắc ghi vào lịch sử. Và hôm nay, cùng với các địa phương trong tỉnh, ở những vùng đất trung dũng này bức tranh kinh tế - xã hội đã thay da đổi thịt.
Nhìn lại chặng đường phát triển của Bình Dương mới thấy rõ sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh trong việc đề ra quyết sách để thực hiện, đưa Bình Dương từ một tỉnh thuần nông trở thành một tỉnh công nghiệp có tốc độ phát triển hàng đầu của cả nước. Nếu lấy mốc thời gian tái lập tỉnh (năm 1997) để so sánh, đến nay giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng gần 47 lần, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng hơn 34 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng gần 49 lần, thu ngân sách tăng hơn 39 lần… Sự phát triển đó đã làm cho đời sống người dân thay đổi nhanh chóng: Theo Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 95,5 triệu đồng. Tất cả con số ấn tượng này đã phản ánh sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh trên bước đường phát triển toàn diện như hôm nay.
Theo lãnh đạo tỉnh, nguyên nhân để làm nên thành công trong phát triển kinh tế - xã hội chính là sự đồng thuận giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Bình Dương giàu mạnh. Thực tế cho thấy, thực hiện công cuộc đổi mới, tỉnh đã phát huy tối đa các lợi thế so sánh để đưa kinh tế Bình Dương tăng trưởng mạnh mẽ. Với ý chí phấn đấu không ngừng vươn lên, Bình Dương đã huy động sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, phát huy lợi thế so sánh của địa phương về vị trí địa lý, tận dụng nội và ngoại lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế.
Kết quả kinh tế sau gần 30 năm đổi mới rất đáng tự hào, là cơ sở và tiền đề quan trọng để Bình Dương phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng là thành phố công nghiệp trực thuộc Trung ương trước năm 2020.
(Nguồn: baobinhduong.vn)