1. Nhận lời mời của ngài Win Myint, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar và Phu nhân Cho Cho, ngài Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã lần đầu tiên thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Myanmar từ ngày 16-18/12/2019. Cùng với các chuyến thăm cấp cao vừa qua giữa hai nước, chuyến thăm lần này tiếp tục khẳng định sự gần gũi cũng như sự coi trọng của hai nước đối với quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện Việt Nam-Myanmar.
2. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự dễ đón, hội kiến và dự chiêu đãi chính thức do Tổng thống Win Myint chủ trì; hội đàm với Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi; chào xã giao Chủ tịch Quốc hội T. Khun Myat; tiếp Thủ hiến Vùng Yangon Phyo Min Thein và Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Myanmar Tint Swai; thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Myanmar.
3. Nhân dịp chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi đã chứng kiến lễ ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện Việt Nam-Myanmar giai đoạn 2019-2024, Bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp và phát triển nông thôn giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Thủy lợi Myanmar và Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Myanmar cũng như lễ trao công hàm về Thoả thuận miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông giữa Việt Nam và Myanmar ký ngày 26/9/2013.
4. Các lãnh đạo bày tỏ hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị lâu đời và bền chặt giữa hai nước, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tướng Aung San đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Hai bên hài lòng trước những phát triển tốt đẹp trong quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện giữa Việt Nam và Myanmar, được thiết lập năm 2017 nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của ngài Nguyễn Phú Trọng với tư cách là Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
5. Các lãnh đạo hoan nghênh những kết quả tích cực của chuyến thăm Việt Nam của ngài Win Myint tháng 5/2019 nhân dịp tham dự Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2019. Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí duy trì đà trao đổi đoàn các cấp và trên tất cả các kênh; đề nghị các bộ, ngành liên quan của hai bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện Việt Nam-Myanmar giai đoạn 2019-2024. Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (28/5/1975-28/5/2020) nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của nhân dân hai nước về quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Myanmar. Các lãnh đạo cũng nhất trí thúc đẩy giao lưu nhân dân thông qua nhiều biện pháp, trong đó có tăng cường vai trò của Hội Hữu nghị Việt Nam-Myanmar và Hội Hữu nghị Myanmar-Việt Nam.
6. Các lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ chế hợp tác song phương, hoan nghênh kết quả Kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương tổ chức tại Hà Nội tháng 3/2019 và Kỳ họp lần thứ 10 Tiểu ban hỗn hợp về thương mại tổ chức tại Myanmar tháng 9/2019, trong đó đã đề ra các biện pháp toàn diện, hữu hiệu nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác sâu rộng giữa hai nước trong tất cả các lĩnh vực có lợi ích chung. Trên cơ sở đó, các nhà lãnh đạo đề nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan hai nước triển khai tích cực và hiệu quả Biên bản thỏa thuận các cuộc họp nêu trên. Hai bên cũng bày tỏ hài lòng về sự thành công của Tham vấn Chính trị cấp Thứ trưởng giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Myanmar diễn ra ngày 14/11/2019 tại Hà Nội.
7. Các lãnh đạo nhất trí thúc đẩy trao đổi đoàn quốc phòng, an ninh và các cơ chế hợp tác song phương, trong đó có sớm thiết lập cơ chế Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng và Phó Tổng tham mưu trưởng trong năm 2019; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như quân y, công nghiệp quốc phòng, hậu cần, cứu hộ-cứu nạn; đẩy mạnh hợp tác phòng, chống các loại tội phạm có liên quan đến an ninh quốc gia hai nước và khu vực, trong đó có khủng bố, buôn bán người, cũng như các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là bảo vệ môi trường và an ninh nguồn nước, đặc biệt là quản lý nguồn nước xuyên biên giới. Hai bên cam kết không cho phép bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào sử dụng lãnh thổ nước này để thực hiện các hoạt động chống phá nước kia và đề nghị các cơ quan liên quan sớm hoàn tất một Bản ghi nhớ về tương trợ lẫn nhau trong các vấn đề hình sự.
8. Các lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường liên kết hai nền kinh tế trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trong khụ vưc và trên thế giới. Hai bên bày tỏ hài lòng trước những thành tựu đạt được về hợp tác thương mại và đầu tư trong các năm qua với việc kim ngạch thương mại đạt 860 triệu USD năm 2018 và khoảng 1,05 tỷ USD năm 2019, vượt mục tiêu 1 tỷ USD đề ra cho năm 2020. Việt Nam hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar với 18 dự án và tổng vốn đăng ký đạt 2,2 tỷ USD. Hai bên cam kết sớm tăng gấp đôi đầu tư của Việt Nam vào Myanmar thông qua một chiến lược hợp tác kinh tế tăng cường và toàn diện sẽ được các cơ quan liên quan hai bên phối hợp xây dựng vào cuối năm 2020. Hai bên hoan nghênh thiết lập Câu lạc bộ doanh nhân Việt Nam tại Myanmar, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các nhà đầu tư Việt Nam với Chính phủ, các bộ, ngành của Myanmar.
9. Để phục vụ mục tiêu đó, phía Myanmar ghi nhận và đồng ý sớm xem xét các đề xuất của phía Việt Nam về: (i) đơn giản hóa thủ tục thông quan và kiểm dịch hàng hóa đối với thương mại song phương; (ii) thu hẹp danh mục các mặt hàng nhập khẩu cần xin giấy phép trên cơ sở các luật lệ và quy định của WTO; (iii) thành lập một khu công nghiệp phù hợp với các luật lệ và quy định liên quan của nước sở tại. Hai bên nhất trí xem xét đẩy nhanh các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trên cơ sở lợi ích chung. Việt Nam cũng đề nghị Myanmar tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực ngân hàng, hàng không, viễn thông, khoáng sản, công nghệ thông tin, dịch vụ công nghệ, du lịch, sản xuất hàng tiêu dùng, kinh doanh bảo hiểm, các dịch vụ khai thác dầu khí, điện, y tế và giáo dục.
10. Các lãnh đạo bày tỏ hài lòng hợp tác trong lĩnh vực khác đạt nhiều kết quả tích cực và cam kết nghiên cứu khả năng hợp tác về: (i) trồng cây công nghiệp, sản xuất lúa giống, nuôi trồng thủy hải sản, sớm hoàn tất Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp; (ii) kết nối giao thông vận tải hai nước cũng như với các nước khác trong tiểu vùng Mekong, trong đó có việc thúc đẩy phát triển các tuyến đường thuộc Hành lang Kinh tế Đông-Tây; (iii) công nghệ thông tin và viễn thông; (iv) xây dựng các sản phẩm du lịch chung kết nối hai nước cũng như các nước khác trong Tiểu vùng sông Mekong; (v) pháp luật và tư pháp, trong đó có sớm đàm phán, ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác pháp luật và tư pháp; (vi) bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, trong đó có việc sớm hoàn tất Bản ghi nhớ về tài nguyên và môi trường; (vii) thúc đẩy hợp tác văn hóa, thể thao, nghệ thuật, các hoạt động tôn giáo, trao đổi các đoàn trọng tài, huấn luyện viên, thể thao và tạo điều kiện cho các môn thể thao truyền thống; tăng cường giao lưu giữa giảng viên, sinh viên và học sinh hai nước…; (viii) hợp tác về thông tin và truyền thông.
11. Hai bên nhất trí duy trì phối hợp và hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là ASEAN, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, Liên Hợp Quốc, WTO, ASEM, Phong trào Không liên kết và các cơ chế hợp tác tiểu vùng sông Mekong quan trọng như CLMV, GMS và ACMECS; củng cố và thúc đẩy ASEAN đoàn kết và tự cường; tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN cũng như vai trò của Hiệp hội trong giải quyết các thách thức khu vực; đẩy mạnh phối hợp tại các cơ chế tiểu vùng trong các lĩnh vực như thúc đẩy phát triển bền vững, kết nối, công nghệ thông tin và truyền thông. Hai bên cam kết ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương minh bạch, tự do, rộng mở, bao trùm và dựa trên luật lệ do WTO dẫn dắt cũng như quá trình cải tổ WTO đang diễn ra. Phía Myanmar tái khẳng định ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
12. Các lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực, tự do và an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và ràng buộc pháp lý theo lộ trình được các bên thống nhất.
13. Phía Myanmar cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã thông hiểu tình hình bang Rakhine cũng như đã hỗ trợ Myanmar 100.000 USD để phục vụ các mục tiêu nhân đạo, tái thiết và phát triển bang Rakhine. Việt Nam bày tỏ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Myanmar nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật và thúc đẩy hòa hợp, hòa giải giữa các cộng đồng, bảo đảm sự phát triển bền vững và công bằng ở bang Rakhine. Các nhà lãnh đạo đánh giá cao sự hỗ trợ của ASEAN và Trung tâm Hỗ trợ Nhân đạo ASEAN (AHA) đối với Myanmar trong giải quyết vấn đề nhân đạo và tạo điều kiện cho quá trình hồi hương người tị nạn ở bang Rakhine.
14. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm kích trước sự đón tiếp chu đáo, trọng thị và thân tình mà Tổng thống Win Myint đã dành cho cá nhân ngài cũng như các thành viên trong đoàn./.
(Nguồn: chinhphu.vn)