Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Trần Thanh Liêm – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Võ Văn Minh – Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Kawaue Junichi - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP. HCM; ông Okada Hideyuki – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. HCM; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh, các huyện thị, thành phố và sự hiện diện của hơn 80 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Bình Dương.
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh Bình Dương. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2019, đầu tư của Nhật Bản vào Bình Dương đạt 489 triệu đô la Mỹ, chiếm trên 19% vốn đầu tư nước ngoài tại Bình Dương. Tiếp tục đưa Nhật Bản trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong số 64 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Bình Dương, với 304 dự án và tổng số vốn 5 tỷ 650 triệu đô la Mỹ, chiếm 16,2% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Bình Dương; hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, thương mại dịch vụ; sản xuất linh kiện điện tử, mạch và chip điện tử; sản xuất lắp ráp ô tô, sản xuất sắt thép và các ngành công nghiệp phụ trợ khác… Lũy kế đến nay, Bình Dương là địa phương đứng thứ 3 (sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội) trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với hơn 3.700 dự án đầu tư từ 64 quốc gia vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký hơn 33,8 tỷ đô la Mỹ, tính cả vốn đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần là 34,87 tỷ đô la Mỹ.
Tại buổi Đối thoại, các doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp đã thẳng thắn phản ánh ý kiến, nguyện vọng cũng như những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh tại Bình Dương. Nội dung phản ánh chủ yếu xoay quanh vấn đề nguồn lao động, cấp giấy phép lao động, thẻ tạm trú cho người nước ngoài, giải pháp của tỉnh nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc tại các tuyến giao thông trọng điểm, đảm bảo an ninh trật tự trong khu công nghiệp, mục đích thu Quỹ Phòng chống thiên tai, các vấn đề về cung cấp điện, chấn chỉnh việc cấp giấy phép nghỉ bệnh tại các cơ sở y tế... Các ý kiến, nguyện vọng của doanh nghiệp đều được lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành trực tiếp giải đáp hoặc ghi nhận để kiến nghị Trung ương, nhằm hướng đến mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.
Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị.
Lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận tại buổi Đối thoại, Ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cam kết trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh hỗ trợ cho sự phát triển doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh nói chung; đặc biệt là cộng đồng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói riêng. Tỉnh sẽ tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội như: Giao thông, cấp nước, điện, xử lý môi trường,… tiến hành quy hoạch mở rộng các khu công nghiệp, tạo quỹ đất sạch cho thu hút đầu tư. Triển khai đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh. Chính quyền tỉnh Bình Dương cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch, đơn giản; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất và làm việc tại Bình Dương.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm kết luận tại hội nghị.
Sở Ngoại vụ