Tin Tức
Thứ 4, Ngày 03/09/2014, 15:00
Mùa Thu 1945: Nước Việt Nam hiện đại ra đời
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
03/09/2014
Cách mạng tháng Tám 1945 với việc ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mở ra cả một chân trời rộng lớn cho sự phát triển của đất nước ta và qua gần 7 thập kỷ, đến hôm nay, công cuộc phấn đấu của dân tộc Việt Nam vẫn hướng theo những mục tiêu đã được xác lập từ Mùa Thu ấy…

Ở London, thủ đô của nước Anh, có một ngôi nhà được gắn tấm biển tròn màu xanh với dòng chữ “Hồ Chí Minh (1890-1969) - vị Chủ tịch sáng lập ra nước Việt Nam hiện đại”. Ý niệm về một “Nhà nước Việt Nam hiện đại” nói lên bản chất của cuộc cách mạng đã khai sinh ra nó, cách đây đã ngót bảy thập kỷ, vào Mùa Thu năm 1945.

Ngôi nhà đó mang tên của một quốc gia “New Zealand” vốn được xây dựng lại trên nền của khách sạn Carlton, nơi vào thời gian đang diễn ra cuộc đại Chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918), Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đang là một người phụ bếp trên hành trình tìm đường cứu nước. Còn việc đặt tấm biển là một tập quán của London, vốn là nơi lưu trú của rất nhiều danh nhân trên thế giới, ghi nhận sự có mặt của họ như một niềm tự hào của Thành phố.

Cuộc cách mạng khai sinh nền dân chủ

Như một lẽ đương nhiên, nói tới Cách mạng tháng Tám 1945 là nói tới một nền độc lập dân tộc được khẳng định với bản Tuyên ngôn bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh “trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập”.

Nhưng với nền độc lập ấy chúng ta chỉ giành lại những giá trị vốn có từ ngàn năm và tiếp nối ý chí bất khuất của dân tộc qua ngàn đời đấu tranh chống xâm lăng bảo vệ nền tự chủ hay giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của ngoại bang, giành lại nền độc lập dân tộc. Những gì đã ghi chép trong những bộ quốc sử hay ghi nhớ trong tâm thức của con người Việt Nam đều đầy ắp những tên tuổi và chiến công của công cuộc giữ nước.

Lời Tuyên ngôn ở thế kỷ XX chỉ là sự khẳng định lại ý chí của lời thơ Thần bất hủ ở thế kỷ XI:”Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”.

Cũng như tổ tiên, để giành lại nền độc lập, dân tộc ta phải làm một cuộc khởi nghĩa tháng Tám 1945 lật đổ ách thống trị của ngoại bang là phát xít Nhật và thực dân Pháp.

Cách mạng tháng Tám 1945 còn được biểu hiện bằng một cuộc nổi dậy của toàn dân trên khắp dải đất Việt Nam vốn bị chính sách “chia để trị” của thực dân Pháp cắt làm 3 kỳ. Cuộc cách mạng mang một ý nghĩa rất to lớn khi nền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Việt Nam được phục hồi. Nền thống nhất ấy là di sản của tổ tiên qua bao đời mở mang và xây đắp.

Dưới chế độ thuộc địa, nước Việt Nam bị xẻ làm 3 xứ với những chế độ chính trị khác nhau (thuộc địa cho Nam Kỳ, bảo hộ cho Trung Kỳ và nửa bảo hộ cho Bắc Kỳ). Khôi phục và gìn giữ nền thống nhất quốc gia trở nên một sứ mạng thiêng liêng, một nguyên tắc không thể nhượng bộ của Nhà nước Việt Nam độc lập đã được đúc kết thành chân lý“Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”. Nhưng để bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đó, dân tộc Việt Nam đã phải chấp nhận một cuộc chiến tranh dài 30 năm mới giành lại non sông trọn vẹn sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1975) rồi phải kiên cường đấu tranh hơn một thập kỷ tiếp sau mới thực sự vượt qua được những thử thách to lớn đối với sự nghiệp bảo toàn nền thống nhất và chủ quyền lãnh thổ quốc gia, thành quả thiêng liêng của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945.

Nhưng, nếu như phải tìm một đặc trưng tiêu biểu nhất của thế kỷ XX, đặc trưng tạo nên sự khác biệt căn bản so với tất cả các thế kỷ trước đó của tiến trình ngàn năm phát triển (dựng nước và giữ nước) của dân tộc ta, thì đặc trưng ấy chỉ có thể là sự xác lập lần đầu tiên một nền Dân chủ bằng một sự lựa chọn chính thể của Nhà nước Việt Nam độc lập ra đời sau cuộc Cách mạng tháng Tám 1945. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta đánh đổ xiềng xích gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hoà”.

Có nhà nghiên cứu đặt câu hỏi: Vì sao Hồ Chí Minh, một nhà cách mạng cộng sản đã từng sống trên đất nước Xô-viết, đã từng chứng kiến các phong trào xô-viết ở Trung Hoa, khi nắm quyền trong tay lại không lựa chọn một thể chế xô-viết mà chấp nhận một thể chế có thể nói là tiến bộ và phổ quát nhất bắt nguồn từ nền chính trị phương Tây (nguyên lý về một nhà nước “của dân - do dân - vì dân” chính là từ vị Tổng thống thứ 13 của Hoa Kỳ, Abraham Lincohn) để tạo nên nền tảng của một thiết chế nhà nước dân chủ hiện đại?

Câu trả lời có thể tìm thấy trong thực tiễn của những gì đã diễn ra ngay sau khi Nhà nước Việt Nam giành được độc lập vào Mùa Thu năm 1945 lịch sử.

Cuộc cách mạng khẳng định “quyền con người”

Ai cũng biết, bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Việt Nam được mở đầu bằng hai đoạn trích từ hai bản tuyên ngôn bất hủ của Cách mạng Hoa Kỳ và Pháp. Cả hai đoạn trích đều nhắc đến “quyền con người”, nhưng dường như không đả động tới nền độc lập quốc gia.

Hai đoạn trích nêu rõ:”Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc” (Hoa Kỳ), và “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” (Pháp).

Trích những “lẽ phải không ai chối cãi được” ấy, Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam không chỉ nhằm lên án chế độ phát xít-thực dân đã tước đoạt những  quyền con người của nhân dân Việt Nam mà còn nhằm xác nhận rằng quyền của con người chính là nền tảng của quyền một dân tộc, điều mà Hồ Chí Minh thể hiện trong bản Tuyên ngôn mình soạn thảo “Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Archimèdes Patti, người đứng đầu cơ quan tình báo Hoa Kỳ OSS có mặt tại Hà Nội ngay sau ngày Tổng khởi nghĩa, viết trong thiên hồi ức “Tại sao Việt Nam?” rằng khi đọc bản Tuyên ngôn của Việt Nam ông thấy có sự đảo vị trí của hai từ “tự do” và “quyền sống” so với nguyên bản của Tuyên ngôn Hoa Kỳ. Khi ông đem chuyện này nói với Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trước Ngày Lễ Độc lập thì được trả lời rằng“không thể có tự do mà không có quyền sống, cũng như không thể có hạnh phúc mà không có tự do” (A.Patti, Why Vietnam?, bản dịch, NXB Đà Nẵng, 1995, tr. 230).

Đó là phép biện chứng trong nhận thức chính trị về quyền con người của nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam ngay từ buổi đầu của nền độc lập.

“Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam đã từng nói như vậy trong phiên họp đầu tiên của Nội các độc lập và nhắc lại trong “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” (Báo Cứu quốc, ngày 17/10/1945).

Đặt quyền của con người lên trung tâm đời sống chính trị là đặc trưng của xã hội công dân, khác một cách căn bản với một xã hội thần dân lấy sự tuân phục Nhà nước đặt lên hàng đầu. Cho dù mới mẻ, nhưng Nhà nước Việt Nam mới được xây dựng trên nguyên lý “Nếu không có nhân dân thì Nhà nước không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ và nhân dân phải đoàn kết thành một khối… Chính phủ hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc… Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”

Và trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ (ngày 3/9/1945), vị Chủ tịch nước bộc bạch “Sau tám mươi năm bị áp bức, bị bóc lột và dưới chính sách ngu dân của thực dân Pháp, các bạn và tôi đều chưa quen với kỹ thuật hành chính. Nhưng điều đó không làm chúng ta lo ngại. Chúng ta vừa học vừa làm. Chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm. Với lòng yêu nước và yêu nhân dân sâu sắc, tôi chắc chúng ta sẽ thành công”.

Cũng ngay trong phiên họp đầu tiên này, một trong sáu nhiệm vụ được vị Chủ tịch của Nhà nước Việt Nam mới tròn một ngày tuổi được ấn định nhằm khẳng định tính chất của một Nhà nước hiện đại: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…”. Và cũng trong bài phát biểu này, nhiệm vụ thứ 6 được khẳng định “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ bề thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và Lương giáo đoàn kết” (Hồ Chí Minh toàn tập, tr. 8-9).

Trong một tình hình chính trị vô vàn khó khăn và phức tạp, chỉ 5 tháng sau ngày tuyên ngôn độc lập, ngày 6/1/1946 cuộc Tổng tuyển cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu đã được tiến hành. Ngày 2/3/1946, phiên họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được triệu tập và Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam được ban bố.

Một người bạn Mỹ nghiên cứu lâu năm về Việt Nam, bà Lady Borton khi nghiên cứu giai đoạn lịch sử khởi đầu của Nhà nước Việt Nam hiện đại đã phát hiện rằng với cách dịch của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam 1945, thì lời văn của Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ do G. Washington tuyên đọc vào năm 1776 đã có một nội hàm mới. Nếu như chữ “all men” trong xã hội Mỹ thế kỷ XVIII chỉ bao hàm những người đàn ông (đương nhiên không có người da màu) có sở hữu  thì trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam đã được dịch là “tất cả mọi người” (còn trong bản dịch trên tờ báo “Thanh Niên” vào năm 1925 thì Nguyễn Ái Quốc dịch là “ai cũng có”). Như vậy, cũng như với nội dung được cụ thể hoá trong bản Hiến pháp Việt Nam thì tinh thần Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh đã đi một bước dài lịch sử khi xác định nội hàm của “tất cả mọi người”.

Vào năm 1945, đó là một trình độ tiên tiến về dân chủ và nhân quyền. Việc thực hiện một chế độ bầu cử phổ thông đầu phiếu, trong đó người phụ nữ có quyền tham gia bình đẳng với nam giới thực sự còn là một thành tựu của một nền chính trị tiên tiến và hiện đại. Theo bà Lady Borton, nó mang một thông điệp có ý nghĩa “Với việc chỉ sửa một từ trong bản dịch của mình, Cụ cho thế giới một cuộc cách mạng thứ hai:Đó là Hồ Chí Minh đã tuyên bố độc lập cho phụ nữ Việt Nam” (L.Borton, Hồ Chí Minh và Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam, “Xưa&Nay”, 11/2000).

Cuộc cách mạng mở ra công cuộc hội nhập với thế giới

Một nét đặc sắc của cuộc cách mạng này là nó gắn kết một cách tài tình mục tiêu giành độc lập của dân tộc Việt Nam với mục tiêu mang tính thời đại là đứng về phía Đồng minh giải phóng loài người khỏi chủ nghĩa phát xít, giành nền độc lập (trước khi chủ nghĩa thực dân Pháp kịp quay trở lại) và chấm dứt  triệt để nền quân chủ từng tồn tại từ ngàn đời.

Sự có mặt từ rất sớm của lực lượng Đồng minh là những quân nhân Hoa Kỳ trong đơn vị OSS (tình báo chiến lược) bên cạnh lực lượng cách mạng Việt Nam tập hợp dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, cùng với một cách ứng xử ngoại giao khôn khéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ mang lại cho Nhà nước Việt Nam độc lập vị thế là thành viên của Mặt trận chống phát xít trong lực lượng Đồng Minh chiến thắng mà còn muốn đất nước Việt Nam nhanh chóng hội nhập với thế giới hiện đại hình thành trong và sau cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai.

Đọc văn kiện dưới đây của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam gửi cho Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ (ngày 22/10/1945) sẽ thấy rõ điều đó: “Những nguyên tắc cao quý của sự công bằng và bình đẳng quốc tế về địa vị được nêu trong Bản Hiến chương đã lôi cuốn mạnh mẽ dân Việt Nam và góp phần làm cho cuộc kháng chiến của Việt Minh ở các vùng có chiến tranh thành một phong trào kháng Nhật rộng khắp quốc gia, có tiếng vang mạnh mẽ trong những khát vọng về dân chủ của dân chúng. Hiến chương Đại Tây Dương được xem như nền tảng của nước Việt Nam trong tương lai” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, 2002, tr. 69). 

Điều đáng nói hơn nữa là bằng những chủ trương, chính sách rất cụ thể, tư tưởng hội nhập được thể hiện bằng một đường lối mở rộng cửa hợp tác với nguyên tắc “Nước Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không muốn gây sự với ai”.

Trong một văn kiện gửi tới các nước lớn và các thành viên Liên Hiệp Quốc chỉ ít ngày trước khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra thông điệp “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng tất cả các sân bay và đường xá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. c) Nước Việt Nam chấp nhận gia nhập mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hiệp Quốc.  d) Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân...” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, 1995, tr. 470).

Như vậy, có thể thấy, Cuộc cách mạng tháng Tám 1945 với việc ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã mở ra cả một chân trời rộng lớn cho sự phát triển của đất nước ta mà những thử thách của những thập kỷ phải chiến đấu giữ vững nền độc lập và chủ quyền toàn vẹn của dân tộc đã lấy mất của chúng ta biết bao cơ hội, để hôm nay, công cuộc phấn đấu của dân tộc Việt Nam vẫn hướng theo những mục tiêu đã được xác lập từ Mùa Thu cách mạng gần 70 năm về trước.

(Theo: Chinhphu.vn)​

Lượt người xem:  Views:   12679
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (Click)

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Từ khóa

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Tin Tức