Bình Dương là tỉnh công nghiệp, có lực lượng lao động lớn với hơn 1,3 triệu người trong độ tuổi lao động. Số người tham gia BHXH, BHTN tính đến 30/06/2023 là gần 1 triệu người, số người tham gia BHYT là hơn 2,4 triệu người. Lao động tại Bình Dương hàng năm có sự dịch chuyển rất lớn (khoảng 60% tổng số người đang tham gia BHXH) do khoảng 80% lực lượng lao động là người ngoài tỉnh… nên vào các ngày đầu tháng, đầu quý, số người lao động đến nộp hồ sơ rất đông (đặc biệt là người lao động đến nộp hồ sơ hưởng BHXH một lần). Điều này gây áp lực không nhỏ lên cơ quan BHXH trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ BHXH, BHYT, đòi hỏi cần có cải cách, ứng dụng công nghệ để giảm tải áp lực, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đến giao dịch.
Về ứng dụng sinh trắc vân tay trên CCCD gắn chíp trong tiếp nhận và trả kết quả TTHC, từ khi bắt đầu triển khai thí điểm đến nay, có khoảng 20.000 người đến nộp hồ sơ tại Bộ phận “một cửa” được xác thực sinh trắc, trong đó, 100% các trường hợp đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHXH một lần, cấp lại sổ, ghép - gộp sổ đều được yêu cầu thực hiện sinh trắc. Việc ứng dụng thiết bị sinh tắc mang lại nhiều lợi ích như: Hỗ trợ cán bộ (tiếp nhận hồ sơ) TNHS xác định danh tính công dân và phát hiện kịp thời được tình trạng giả mạo giấy tờ tùy thân của người nộp hồ sơ, tạo sự yên tâm cho cán bộ TNHS khi có thiết bị hỗ trợ; đảm bảo xác thực được danh tính của người dân khi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Trên cơ sở xác thực danh tính của người nộp hồ sơ, sẽ đảm bảo giải quyết cho đúng người, đúng đối tượng; hạn chế tình trạng gian lận, giả mạo giấy tờ tùy thân để trục lợi quỹ BHXH, BHYT.
Về thí điểm tiện ích đặt lịch làm việc trực tuyến: Ngay từ khi được chọn thí điểm thực hiện Thí điểm tiện ích đặt lịch làm việc trực tuyến, BHXH tỉnh Bình Dương đã tổ chức quán triệt, hướng dẫn đến toàn thể viên chức, người lao động đang làm việc tại Bộ phận “một cửa” về tiện ích này. Tính từ khi triển khai đến nay, đã có gần 06 nghìn lượt đặt lịch làm việc trực tuyến thành công (tỷ lệ xấp xỉ 30%). Nếu tính bình quân mất 15 phút/lượt tiếp đón thì BHXH tỉnh đã giảm được 1.500 giờ tiếp đón thông qua đặt lịch làm việc trực tuyến.
Mặc dù tiện ích này chưa thu hút được nhiều người đăng ký so với số lượng người đến giao dịch (do chỉ mới được thí điểm trong phạm vi tỉnh nên chưa có sự lan tỏa rộng) nhưng những lợi ích mang lại có thể kể đến như:
Về phía cá nhân, tổ chức: chủ động được việc sắp xếp thời gian để làm việc với cơ quan BHXH, không mất thời gian khi chờ đợi lấy số thứ tự, chờ đợi cơ quan BHXH xem xét hồ sơ.
Về phía cơ quan BHXH: chủ động sắp xếp được lượng khách đến giao dịch; bố trí cán bộ TNHS phù hợp; chủ động chuẩn bị nội dung để làm việc với người dân; giảm thiểu tối đa thời gian tiếp nhận hồ sơ cho người dân; giảm tải lượng khách ùn ứ khi TNHS (đặc biệt là thời điểm cao điểm) không gây ùn ứ, mất an ninh trật tự tại cơ quan BHXH cũng như tại Trung tâm HCC cấp huyện đối với những đơn vị BHXH đã chuyển qua tiếp nhận 100% hồ sơ tại Trung tâm HCC huyện; nhanh chóng giải quyết tiếp nhận hồ sơ cho người đã đăng ký lịch và nội dung làm việc.
Nguồn: https://baohiemxahoi.gov.vn